Nhiều người hỏi thị trường giáo dục online sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau khi Covid không còn là đại dịch toàn cầu và các trường học mở cửa lại? Dựa theo quan sát của mình về các trường đại học và công ty online learning ở Mỹ, mình thấy những năm tới sẽ có nhiều biến đổi hay ho. Ở phần 1 này, mình sẽ chia sẻ suy nghĩ nhìn từ góc độ các trường đại học. Liệu sau COVID, các trường có quan tâm online education hơn không hay mọi thứ sẽ trở lại như cũ?
Hơn mười năm trở lại đây, giáo dục online đã có sự bùng nổ sau khi MOOCs (Massive Open Online Courses) bắt đầu. Các công ty giáo dục online bắt đầu mọc lên và các trường truyền thống cũng mở thêm các chương trình đào tạo online, phần lớn ở bậc sau đại học. Tuy nhiên, phải đến COVID19 thì các trường mới thực sự bừng tỉnh về sự cần thiết của việc học online do hoàn cảnh bắt buộc. Không phải trường nào cũng sẵn sàng cho việc này vì đầu tư xây dựng hệ thống học online chuyên nghiệp thường tốn kém, mất nhiều công sức và cần sự đồng thuận từ nhiều phía (thầy cô, học sinh, gia đình). Vì vậy, việc dạy và học online thời COVID ở nhiều nơi diễn ra một cách thiếu chủ động, kém chất lượng và thậm chí là hỗn loạn. Khi bây giờ tình hình dịch bệnh đã ổn định, liệu các trường có chú trọng hơn cho các chương trình học online không? Mình cho rằng giáo dục online không chỉ cần được quan tâm hơn mà còn nên là mục tiêu chiến lược cho các trường vì ba yếu tố chính như sau.
1) Sinh Viên Ngày Càng Ưa Chuộng Học Online
Thứ nhất, học sinh ngày càng ưa chuộng học online. Theo một khảo sát của Cengage năm 2022, hơn 75% sinh viên mong muốn có lựa chọn để học lớp online hoàn toàn, và 64% muốn có lựa chọn học hybrid (phần học online, phần học trên lớp) (1). Ngay cả sinh viên hiện đang học in-person (trực tiếp trên lớp) đều muốn có thêm lựa chọn để học online một số lớp (tăng từ 55% năm 2021 đến 60% năm 2022). Không chỉ nhu cầu tăng cao, mà đánh giá về chất lượng lớp học online cũng ngày càng khả quan và rút ngắn khoảng cách so với lớp học trực tiếp trên lớp. Trong năm 2022, hơn 62% sinh viên đang học online cho rằng các lớp học của họ có hiệu quả, tăng 12% so với đầu năm 2021. Số liệu này cũng không quá xa khi so sánh với đánh giá của sinh viên đang học trực tiếp (68% số sinh viên này cho rằng lớp học in-person có hiệu quả)*.
Mặc dù có nhiều câu chuyện về các lớp học online thời COVID kém chất lượng, điều này không cản trở tăng trưởng về nhu cầu học online. Khi mới bùng nổ bệnh dịch thì việc kém chất lượng là khó tránh khỏi vì nhà trường phải vội vàng chuyển sang học online. Sau hai năm, mình cho rằng các lớp học online cũng khá lên vì thầy cô thêm nhiều kĩ năng dạy online và nhà trường có đầu tư hơn cho cơ sở vật chất. Ngoài ra, sinh viên cũng thích sự linh hoạt và chủ động của online learning và quen hơn với cách học này.
2) Giáo Viên Cởi Mở Hơn Với Việc Dạy Online
Không chỉ sinh viên ngày càng ưa thích học online, giáo viên cũng thích nghi tốt hơn với việc dạy online sau hai năm COVID. Mình thấy điều này ngay trong công việc của mình khi làm việc với các giáo sư và giảng viên đại học. Khi mình bắt đầu làm online education năm 2018, mình gặp nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ với việc dạy online, hay thậm chí còn không thích một chút nào vì sợ mất đi chất dạy của họ. Vậy mà từ hơn một năm trở lại đây, mình thấy giáo viên cởi mở hơn hẳn, và thêm nhiều kĩ năng và sáng kiến dạy online hay hơn. Ngay cả những giáo viên trước đây ngại hoặc không thích dạy online cũng có cái nhìn rộng lượng hơn và nhận thấy sự tiện lợi của phương thức này. Cũng theo nghiên cứu của Cengage năm 2020-2021, 53% giáo viên muốn dạy một số lớp của họ theo format online hoàn toàn, và 57% muốn dạy học theo cách hybrid (2).
Thay đổi này là một tín hiệu rất tốt cho các trường muốn chuyển đổi số và mở rộng giáo dục online. Một trong những rào cản lớn nhất khi chuyển sang online là không có sự đồng thuận từ đội ngũ giáo viên. Thầy cô là những người phải gánh vác thay đổi nhiều, từ chuyển biến kĩ năng giảng dạy, học cách sử dụng công nghệ mới, đến giúp học sinh làm quen với cách học online. Đôi lúc những gánh vác này không có sự hỗ trợ hệ thống và bài bản từ nhà trường hay những thay đổi trong giảng dạy chưa chắc đã được học sinh đón nhận. Vì vậy, việc giáo viên ngại, không thích hoặc chưa sẵn sàng với dạy online cũng là điểu dễ hiểu. COVID đã bắt buộc giáo viên phải nhanh chóng ứng phó và dần dần thay đổi. Các trường cần nắm bắt cơ hội này và lắng nghe những nhu cầu và ý tưởng của giáo viên để xây dựng một chiến lược giáo dục online thành công và có sự ủng hộ từ thầy cô.
3) Các Trường Cần Mở Rộng Học Online Để Thêm Nguồn Thu
Lí do cuối cùng và quan trọng nhất chính là bài toàn kinh tế. Tại Mỹ, tỉ lệ sinh viên nhập học đã giảm dần ngay cả từ thời trước COVID-19 và xuống dốc hơn trong hai năm từ 2020-2022. Đầu năm 2022, tỉ lệ nhập học ở bậc đại học và sau đại học giảm 4.7% so với đầu năm 2021. Mùa thu năm 2022, tỉ lệ này giảm 1.1% so với cùng thời điểm năm 2021, nhất là ở các trường công lập (3). Có nhiều lí do giải thích cho xu hướng này mà mình sẽ không đề cập sâu ở đây (ví dụ tiền học phí ngày càng tăng, thị trường lao động tốt nên mọi người chọn đi làm thay vì đi học, học sinh có nhiều lựa chọn hơn ví dụ học bootcamps ngắn hạn thay vì học đại học chính quy 4 năm). Mình muốn chỉ ra là điều này ảnh hưởng xấu cho tài chính của các trường. Khi sinh viên giảm nhập học, rất nhiều trường có thể phải đóng cửa, đặc biệt nếu họ không cạnh tranh được với các trường có tiếng, có tài chính ổn định và sức thu hút học sinh cao. Mở rộng các chương trình đào tạo online và hybrid có thể giúp các trường thu hút nguồn học sinh mới và mở thêm thu nhập.
Một tín hiệu tốt là tỉ lệ nhập học ở các trường online (các trường nơi hơn 90% học sinh học hoàn toàn online) có phần khá khẩm hơn so với các trường truyền thống. Mùa thu năm 2022, tỉ lệ nhập học ở các trường online tăng 3.2% cho bậc đại học và chỉ giảm 0.9% cho bậc sau đai học (dù vẫn giảm 0.4% tổng thể nhưng vẫn khá hơn giảm 1.1% ở các trường truyền thống) (4). Hơn nữa, nếu trước đây các trường online phần lớn bao gồm học sinh đã là người đi làm và hơn 24 tuổi thì những năm gần đây đã bắt đầu thu hút học sinh độ tuổi 17-24. Theo một khảo sát quốc gia năm 2022, số học sinh cấp ba có ý định học ở các trường đại học online đã tăng gấp đôi so với thời trước COVID (5).
Những xu hướng này cho thấy việc mọi người ngày càng rộng mở đón nhận học online hơn và các trường cần có một chiến lược giáo dục online để nắm bắt được thời cơ này và chuyển mình để có thể tồn tại. Nhưng mở rộng các chương trình online không phải là một bài toán dễ. Liệu các trường nên mở rộng cách nào để đem lại hiệu quả kinh tế cho mình và chất lượng cho học sinh? Điều này mình sẽ chia sẻ thêm ở phần sau nhé!
- (1) “Digital Learning Pulse Survey.” Cengage, https://info.cengage.com/LP=5443. Accessed November 7, 2022.
- (2) “Digital Learning Pulse Survey: Pandemic-Era Report Card.” Bay View Analytics, https://www.bayviewanalytics.com/reports/pulse/infographic-spring2021.pdf. Accessed November 7, 2022.
- (3) “COVID-19 Stay Informed: National Student Clearinghouse Research Regular Updates on Higher Education Enrollment.” NSC, https://nscresearchcenter.org/stay-informed/ Accessed November 7, 2022.
- (4) Ibid
- (5) D’Agnostino, Susan. “A Surge in Young Undergrads, Fully Online.” Inside HigherEd. https://www.insidehighered.com/news/2022/10/14/more-traditional-age-students-enroll-fully-online-universities. Accessed November 7, 2022.
- *So sánh đánh giá chất lượng giữa lớp học online và lớp học truyền thống này không hoàn hảo. Nếu để so sánh chuẩn xác hơn thì cần so sánh hai lớp giống hệt nhau về nội dung, học sinh, v.v. và chỉ khác cách dạy online hay offline thôi.