Làm sếp khó lắm: Tạo giá trị

Sếp giỏi không chỉ cần có tâm và có tầm, mà còn cần phải biết dùng hai yếu tố này để tạo nên giá trị. Trong cả chục chương trình từ MBA đến executive education mà mình đã design, mình thấy không bao giờ hết hot các chủ đề này xung quanh việc lãnh đạo và quản lý. Mình đã may mắn có cơ hội làm việc và học hỏi từ nhiều sếp tốt trong quá trình đi làm. Trong một năm có khá nhiều biến đổi trong công việc, mình cảm thấy biết ơn vì vẫn luôn có sếp giỏi và tốt biết tạo giá trị cho team ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, nên hôm nay ngồi ghi lại một số thứ mình quan sát từ việc các sếp tạo giá trị từ những ý tưởng.

Tạo giá trị từ những ý tưởng

Sếp càng to thì càng phải gánh vác việc tạo nên giá trị cho bản thân, cho team và cho công ty. Điều này càng cần thiết khi team mới hoặc đang lên và hoạt động trong một ngành cạnh tranh cao. Để kể ra quá trình các sếp tạo ra giá trị thì có rất nhiều thứ, nhưng mình quan sát thì thấy phần nhiều bắt nguồn từ các ý tưởng sáng tạo và có tính thiết thực. Những ý tưởng này là bước khởi đầu giúp họ tạo nên giá trị.

Mình có một chị sếp cũ mà mình luôn khâm phục vì chị không bao giờ hết ý tưởng hay và luôn đủ can đảm cũng như năng lực để thực hiện những thứ chị nghĩ ra. Mình vẫn nhớ như in tuần đầu tiên vừa vào làm việc thì có tí shock vì sếp lúc đó thông báo là sẽ nghỉ làm. Chị được giới thiệu sẽ lên lead team và mọi người đều tò mò xem chị sẽ là lãnh đạo như thế nào và làm được gì. Lúc đó, team mình chỉ có 10 người và cách làm việc rất khác bây giờ. Trong vòng 3 năm, chị chèo lái giúp team có được chỗ đứng vững trong công ty, phát triển sĩ số gấp 3 lần, thay đổi không chỉ mỗi chuyên môn mà cả văn hoá của team, và mang lại nhiều dấu ấn cho cả department.

idea, fantasia, thought-2924175.jpg

Ý tưởng của chị không chỉ đến một ngày mà là cả một quá trình đúc kết, bắt đầu từ việc quan sát và bắt mạch đúng công ty và team đang thiếu gì. Khi chị mới lên, tuy công việc thiết kế khoá học online vẫn vận hành đều nhưng chị thấy team mình còn thiếu chuyên môn sâu và thiếu tiếng nói chung giữa các team trong department. Chị bắt đầu từ ý tưởng nhỏ đó là tổ chức professional development cho team mình để mọi người học thêm về learning science (khoa học học thuật). Cứ mỗi tuần cả team mình sẽ dành ra 2 tiếng để bổ trợ kiến thức qua việc đọc tài liệu về một chủ đề và thứ năm hàng tuần sẽ có buổi thảo luận những gì học được. Cả team đều thấy rất thích thú vì có cơ hội nâng cao kiến thức được áp dụng ngay trong công việc và giúp ích cho sự nghiệp của mỗi người sau này, kể cả khi không làm việc ở công ty nữa. Việc này giúp team xây dựng chuyên môn sâu hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn, và đẩy cao giá trị của team đối với công ty và khách hàng.

Từ ý tưởng nhỏ trong team, chị xây dựng cả một dự án lớn tạo nên một learning framework cho sản phẩm của department. Lúc đó giữa các team trong department thiếu tầm nhìn chung về việc một khoá học có chất lượng bao gồm những gì và phải vận hành như thế nào để đảm bảo chất lượng đó. Điều này ảnh hưởng đến quá trình và kết quả làm việc cùng nhau. Để giải quyết vấn đề, chị mời các team khác nhau tham gia vào dự án để cùng tháo gỡ. Trong quá trình này, chị mượn rất nhiều từ những kinh nghiệm làm chương trình professional development trong team và mảng kiến thức learning science. Trong suốt 6 tháng đọc tài liệu, nghe tư vấn bởi chuyên gia bên ngoài, thảo luận và đúc kết, các team vỡ ra nhiều vấn đề và cùng nhau xây dựng một framework hợp lý cho department, giúp họ có tiếng nói chung hơn về sản phẩm. Sau đó, framework này không chỉ được cả department thực hiện mà còn được quảng bá rộng rãi. Ở annual meeting của công ty, chị là một số ít những lãnh đạo được mời lên làm presentation cho cả tập thể và khách hàng, càng giúp chị xây dựng giá trị cho bản thân và cho team.

Làm sao để có ý tưởng?

Stick figure person climbing stairs toward goals represented by lightbulb. Chalk drawing on blackboard

Ý tưởng không chỉ đến một ngày mà cả là một quá trình trau dồi kiến thức thực tế và sách vở, quan sát môi trường xung quanh, suy ngẫm rồi từ đó nhào nặn chúng cho đến khi thành hướng đi có thể thực hiện được

Theo dõi chị suốt quá trình chị miệt mài với dự án này, mình mới thấy các ý tưởng rất quan trọng việc tạo nên giá trị cho bản thân, cho team và cho công ty. Ý tưởng đến từ cả một quá trình trau dồi kiến thức thực tế và sách vở, quan sát môi trường xung quanh, suy ngẫm rồi từ đó nhào nặn chúng cho đến khi thành hướng đi có thể thực hiện được. Nếu ý tưởng hay và lạ nhưng nó chả giải quyết được vấn đề gì cho team trước mắt, hoặc không mang tính chất đột phá đi được đường dài ít nhất trong một vài năm tới, thì rất khó để tạo nên giá trị.

Trước khi chị rời công ty, mình có nói với chị là mình rất khâm phục chị có nhiều ý tưởng đầy sáng tạo và hỏi sao chị làm được hay vậy. Chị chia sẻ rằng trước khi có một ý tưởng hay, thì chị có rất rất nhiều ý tưởng dở. Quan trọng hơn là phải biết cách chọn lọc và nhào nặn ý tưởng cho phù hợp với hoàn cảnh để có thể khả thi, và thực ra ở hoàn cảnh khác chưa chắc nó đã là dở. Khi có ý tưởng rồi thì nên bắt tay vào thực hiện, từ một cách nhỏ trước để mình thử sức và rút kinh nghiệm, và dùng những thành công nhỏ để tạo ra cơ hội nhân rộng ý tưởng. Chị có thói quen ghi lại những suy nghĩ và ý tưởng trong đầu và quay lại nghiền ngẫm chúng hoặc chia sẻ với mọi người để có feedback. Chị có nói với mình là nếu ý tưởng chỉ mãi trên giấy thì không có giá trị gì, quan trọng nhất vẫn là đủ vững tin để thực hiện chúng.

Mình rất thích chia sẻ của chị và cũng bắt đầu tập thói quen ghi lại những gì mình quan sát, những vấn đề gì còn nhiều khúc mắc ở team và công ty, những ý tưởng đến với mình lúc làm việc. Mình nghĩ việc này ai cũng làm được, không cần phải chờ đến khi lên sếp. Đây chỉ là bước đầu giúp mình xâu chuỗi lại những gì mình thấy và suy nghĩ để khỏi quên. Hơn nữa, việc này giúp mình chọn lọc ra những gì mình cho là quan trọng và muốn giải quyết hoặc đóng góp trong công việc của mình. Tất nhiên từ đưa ra ý tưởng đến thực hiện thành công cho cả một tổ chức là một quá trình dài mình chưa bàn đến ở đây mà sẽ dành cho những chia sẻ sau. Nhưng mình tin rằng cái gì cũng phải có bước khởi đầu, và không gì hơn là bắt đầu từ việc tìm hiểu và nhào nặn chính suy nghĩ của mình để từ đó những ý tưởng hay sẽ có cơ hội phát triển.