Để có những giờ học online chất lượng cần nỗ lực lớn từ giáo viên và học sinh. Ngoài phải có công cụ phần mềm, đường truyền mạng tốt và thiết bị công nghệ, cách dạy online đóng vai trò quan trọng tạo nên một lớp học hiệu quả. Đọc qua những chia sẻ của giáo viên, mình rất khâm phục những thầy cô chịu khó tìm tòi và làm mới kỹ năng để dạy online trực tuyến tốt hơn. Với những giáo viên còn bỡ ngỡ với việc này, mình muốn chia sẻ một số cách để triển khai dạy học online qua các công cụ như Zoom. Dù những công cụ này vẫn còn mặt hạn chế, mình mong là những cách cơ bản này sẽ cho một nền tảng dạy học online tốt để từ đấy thầy cô có thể sáng tạo thêm.
*Lưu ý là những gì mình viết ở đây phù hợp nhất với bậc đại học, sau đại học hoặc cấp 3. Ở độ tuổi 15 trở lên, học sinh ít cần gia đình kèm cặp hơn. Họ tự chủ việc học và độ tập trung cũng cao hơn, nên việc học online cũng phần nào dễ dàng tiếp cận hơn.
Dạy học online tốt cũng như xây dựng một câu chuyện hay, phải có đầu có đuôi, có kết cấu, gây ra cảm xúc tốt và dễ nhớ lâu cho người học. Mình chia các phương pháp theo 3 phần: trước giờ học, trong lớp học và sau khi kết thúc.
1. Trước giờ học
Chuẩn bị dạy online:
- Hãy tìm một nơi yên tĩnh và ít thứ làm mất tập trung. Nếu có điều kiện, nên đầu tư vào microphone và headset riêng để có thể nói rõ tiếng hơn và hạn chế thu lại những tiếng động khác từ bên ngoài.
- Nếu giáo viên muốn đứng khi dạy online, trên bàn làm việc nên để thêm chồng sách hoặc một bàn gấp gọn để máy tính được đặt ở vị trí cao hơn. Chú ý làm sao để camera có thể ngang tầm mặt mình khi đứng. Nếu có điều kiện thì có thể sắm thêm camera gắn ngoài để truyền tải hình ảnh rộng hơn (nhất là nếu giáo viên dùng bảng khi dạy).
- Đối với tài liệu soạn lớp, hãy bày ra bàn để tiện nhìn. Để tránh nhìn xuống dưới quá nhiều thay vì nhìn vào học sinh, giáo viên có thể dùng thêm màn hình thứ hai để nhìn dễ hơn nếu có điều kiện. Nếu không thì có thể dán giáo án lên tường trước mặt và vừa với tầm mắt.
- Khi có file cần chia sẻ với học sinh, hãy mở sẵn trên máy tính để không mất thời gian tìm trong lúc dạy. Với những phần mềm không cần sử dụng đến, hãy đóng hết lại để tránh máy tính làm việc quá tải.
- Nếu có thời gian, giáo viên có thể mở phòng Zoom 5-10 phút trước khi lớp bắt đầu để học sinh có thể vào lớp và ổn định và trò chuyện hỏi thăm. Đây cũng là cách để học sinh cảm giác thoải mái hơn trước khi bắt tay vào việc học.
2. Trong lớp học
Lập nội quy
Để giúp học sinh lập thói quen tốt khi học online thì lớp nên có những quy tắc chung. Buổi đầu tiên, giáo viên nên dành thời gian cùng học trò tạo ra nội quy bằng cách đưa ra câu hỏi: Một lớp học online tốt đối với các em trông như thế nào? Tại sao điều này quan trọng? Khi được cùng xây dựng nội quy, học sinh sẽ dễ dàng chấp thuận hơn vì được giáo viên đối xử như người lớn và tôn trọng ý kiến của họ. Những thứ tưởng chừng đơn giản đều có ảnh hưởng đến không khí và hiệu quả của lớp học. Ví du như khi nào phải mở camera, khi phát biểu thì dùng chat hay giơ tay, mặc quần áo ở nhà được không, hay học bao lâu thì nghỉ giải lao. Ngoài ra, giáo viên nên thăm dò hoàn cảnh của học sinh để điều chỉnh nội quy cho hợp lý. Ví dụ như nếu biết có một vài học trò không có điều kiện internet tốt thì việc bắt các em luôn luôn phải mở camera là không thiết thực.
Khởi động
Người ta nói đầu xuôi thì đuôi lọt. Học sinh có thể phải tranh thủ học online ngay tại chỗ làm, quán cafe hoặc trong phòng trọ chung nên sẽ không cảm giác được không gian học như ở trên lớp. Trước giờ học, biết đâu có em bận làm việc nhà, đi làm thêm, vừa cãi nhau với gia đình hay bị sếp mắng. Khởi động lớp rất quan trọng trong việc giúp học sinh xây dựng tâm lý sẵn sàng và tích cực cho cho việc học. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giáo viên có thể thử:
- Trong lúc đợi tất cả học sinh sign in, có thể chơi một bài nhạc hay giúp cả lớp thư giãn trước khi học. Cả lớp có thể cùng lập một playlist yêu thích trên Youtube để chơi trong các buổi học.
- Cả lớp tắt camera và làm một phút thở hít sâu hay vận động tay chân trước khi ngồi vào bàn.
- Nếu có khứu hài hước có thể kể một câu chuyện cười hay cho xem một clip ngắn vui nhộn. Nếu liên quan đến chủ đề học thì càng tốt còn không thì ai mà chẳng thích xem video về chó mèo nhỉ? 🙂
- Hỏi học sinh diễn tả cảm giác của mình hiện tại như thế nào qua 1-3 từ. Nếu lớp đông thì có thể dùng chức năng chat để chia sẻ. Điều này sẽ giúp giáo viên “bắt mạch” học sinh và biết chú ý những ai đang mệt mỏi.
Ngoài việc tạo một bầu không khí nhẹ nhàng, trong thời gian khởi động cũng nên cho học sinh biết mục đích của bài học hôm nay và bao gồm những hoạt động gì. Khi cần, thời gian này cũng có thể giúp học sinh ôn lại những kiến thức cũ. Giáo viên có thể dùng chức năng poll (thăm dò) hay whiteboard (bảng chung) để hỏi câu hỏi liên quan đến bài học lần trước. Tất cả điều này giúp học sinh khởi động trí não và tâm lý để đón nhận việc học.
Tăng tốc
Trong lúc học, việc cần chú trọng nhất là thiết kế những hoạt động tương tác với học sinh. Giáo viên nên tránh dùng toàn bộ thời gian chỉ giảng bài. Thực sự mà nói, một lớp mà học sinh chỉ đến để nghe giảng là một môi trường học thụ động, dù là trực tiếp hay online. Trong lớp online, việc nghe giảng trở nên dễ nhàm chán và mệt hơn vì đầu óc không tập trung được lâu. Khi giảng bài, giáo viên nên cố gắng chia thành những bài nhỏ tầm 5-10 phút và xen kẽ với hoạt động.
- Cách đơn giản nhất là hãy dừng lại với một số câu hỏi để học sinh thảo luận chung hay chia theo nhóm nhỏ (breakout).
- Hay thay vì đưa ra đáp án cho bài tập về nhà, giáo viên có thể mời một số học sinh trình bày phương thức làm với cả lớp.
- Khi học một bài mới, thầy cô dành lại 2-3 phần để học sinh tự tìm tòi thêm trong lớp và truyền đạt lại cho nhau. Ví dụ, khi dạy về một sự kiện lịch sử, có thể hỏi một nhóm tìm hiểu vì sao sự kiện xảy ra, nhóm khác trả lời về việc sự kiện diễn ra như thế nào, nhóm khác về ảnh hưởng của sự kiện đối với lịch sử. Sau tầm 15 phút tự tìm hiểu qua mạng hoặc sách vở, các nhóm quay lại để chia sẻ thông tin với nhau.
Đối với một số học sinh, bước đầu học theo kiểu này có thể cảm giác khó và không thích vì họ đã quen với cách học thụ động hơn. Tuy nhiên, giáo viên nên cố gắng kiên trì tạo nên những hoạt động vui và bổ ích để học sinh dần làm quen.
Về đích
Để kết thúc lớp học, hãy dành chút thời gian tìm hiểu xem học sinh nhớ gì và chưa hiểu gì. Một cách thức có thể thử là hỏi học sinh dùng “1 phút suy nghĩ” để trả lời cho 3 câu hỏi: Điều quan trọng nhất hôm nay em học là gì? Điều gì em thấy chưa nắm chắc? Điều gì em muốn biết thêm về chủ đề này? Học sinh có thể viết vào chat, hoặc email cho thầy cô, hay cùng nhau thảo luận nếu thời gian cho phép. Việc này giúp học sinh tự nhận thức được quá trình học của mình và xây dựng tính tự chủ. Đây cũng là một cách có ích để giáo viên nhận phản hồi về lớp học và điều chỉnh thêm sau này.
Nhìn một cách tổng thể, nếu lớp học có 60 phút, thì nên dành 5 phút đầu và 5 phút cuối cho khởi động và về đích. 50 phút còn lại giáo viên nên chia thành 2-3 phần nhỏ tầm 15-25 phút. Mỗi phần có thể gồm 5-10 phút giảng bài và 10-15 phút hoạt động. Nếu lớp dài hơn 1 tiếng thì nên có giờ giải lao khoảng chừng 5-10 phút để cơ thể và trí óc được nghỉ.
3. Sau lớp học
Nhớ giữ kết nối sau khi dạy online
Để duy trì cộng đồng lớp, thầy trò nên cố gắng giữ liên lạc với nhau ngoài lớp học. Có thể lập Facebook group hoặc group chat cho lớp để học sinh có thể trao đổi và chia sẻ thông tin cần thiết. Xây dựng văn hoá mạng là một điều quan trọng để có một không gian trao đổi văn minh qua những công cụ như Facebook, Zalo. Điều này mình sẽ chưa bàn tới sâu ở đây, nhưng ít nhất mình nghĩ cũng nên có nội quy chung về việc tương tác với nhau như thế nào.
Con đường đến với lớp học online hiệu quả không dễ dàng. Chắc chắn thầy và trò sẽ gặp những điều xa lạ hay có lúc xảy ra sự cố. Mình nghĩ giáo viên, gia đình và học sinh cũng cần thông cảm cho nhau trên con đường mới này. Điều quan trọng là thầy và trò luôn cố gắng điều chỉnh cách dạy và học cho phù hợp hơn trong hoàn cảnh online. Với những phương pháp cơ bản trên, mình mong là những ai mới bước chân vào dạy học online sẽ phần nào cảm giác đỡ hoang mang hơn.