Học online trực tuyến qua Zoom từ một phần nhỏ trong giáo dục đã không còn xa lạ với nhiều người sau năm 2020. Tuy những công cụ như Zoom, Google Meet, Microsoft Team giúp con người tiếp tục đi làm và đi học trong dịch Covid, nhưng sau một thời gian trải nghiệm, có rất nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh mệt mỏi bởi dùng Zoom. Họ đặt ra câu hỏi liệu học online trực tuyến có thực sự hiệu quả không? Để có thể đánh giá hiệu quả thì có rất nhiều thứ cần phải đề cập. Có 3 điểm khiến Zoom hay những sản phẩm tương tự chưa đáp ứng được nhu cầu của việc dạy và học:
THỨ NHẤT: THẢO LUẬN NHÓM
Ở nhiều lớp học, việc thảo luận hay làm việc nhóm là phương pháp được ưa chuộng. Hiện tại chức năng thảo luận và làm việc nhóm của Zoom còn thiếu tính tương tác cao, không tự nhiên, và khó sử dụng. Ví dụ, khi chia lớp thành nhóm nhỏ thì mỗi nhóm đều ở một phòng riêng và học sinh không thể ngẫu nhiên trao đổi với các nhóm khác. Giáo viên chỉ có thể nghe được một học sinh hay quan sát một nhóm một lúc thay vì cả lớp. Để có thể thảo luận hay làm việc nhóm hiệu quả qua Zoom thì cần sự sắp xếp rất chỉn chu và theo trật tự của giáo viên. Nếu giáo viên không tự tin khi sử dụng công cụ nhóm, không có thời gian chuẩn bị kỹ, hay không có trợ giảng giúp thì sẽ rất khó thành công.
THỨ HAI: QUAN SÁT HỌC SINH
Trong lúc dạy, giáo viên cần quan sát xem học sinh có hứng thú, tập trung tham gia hay gặp khó khăn gì không để kịp thời điều chỉnh. Khi dạy trên lớp, giáo viên có thể phần nào cảm nhận được ánh mắt và biểu cảm của học sinh để nhận biết. Vì qua nghìn năm tiến hoá, con người đã quen với việc nhận dạng ngôn ngữ cơ thể và khuôn mặt trực tiếp để hiểu được một cách toàn diện hơn đối phương đang muốn truyền đạt gì. Khi học online, giáo viên chỉ nhìn thấy mặt học sinh (nếu học sinh mở camera) nhưng rất khó để cảm nhận được ánh mắt và biểu cảm. Dù video có truyền tải hình ảnh nhanh đến mấy thì não con người vẫn nhận ra sự chậm nhịp và “giả” trong tương tác [1], vì vây khó đánh giá hơn học sinh đang cảm nhận thế nào lúc học. Hiện tại Zoom có những chức năng như giơ tay, chat, hay thăm dò ý kiến mà giáo viên có thể dùng để quan sát sự tham gia của học sinh. Điều này vẫn cần giáo viên kiểu thánh “ba đầu sáu tay”, vừa có thể theo dõi chat, vừa nhìn vào bài giảng và mặt học sinh, vừa để ý xem ai đang muốn nói. Để tốt hơn, Zoom cần có công cụ mang tính tổng hợp và phân tích sự tham gia của học sinh ví dụ như ai đang ít nói nhất, ai không trả lời poll thăm dò ý kiến, v.v. để giáo viên có thể dễ dàng nhận biết học sinh có hứng thú hay gặp khó khăn.
THỨ BA: THIẾT KẾ KHÔNG DÀNH CHO VIỆC HỌC
Ok thì Zoom chưa tốt, nhưng nếu một cái xe được tạo ra để đi trên phố mà mình lại sử dụng xe để bay lên trời rồi bị ngã bộp xuống đất thì lỗi không phải tại cái xe. Ý mình là sao? Phần lớn mỗi phương tiện đều được thiết kế để tối ưu hoá cho một mục đích hoặc một vài nhóm người sử dụng. Zoom trước nhất hướng tới mục đích họp hành hay thuyết trình và ưu tiên người sử dụng cho nhu cầu công việc (business end users) thay vì giáo viên hay học sinh. Khi họp hay thuyết trình, thường sẽ chỉ có một hoặc ít người nói là chính. Những người còn lại chủ yếu nghe nhìn và thỉnh thoảng đặt câu hỏi hay đưa ra ý kiến. Có thế thấy điều này qua việc màn hình to nhất thường là màn hình người đang thuyết trình và chỉ có một người có thể nói được một lúc. Nếu nhiều người cùng thảo luận thì rất khó nghe và nếu tất cả muốn tham gia cùng một lúc thì chỉ có thể sử dụng chat.
Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là công cụ nào cũng có những mục đích (purpose), cách nhìn (perspective) và khái niệm (concepts) ảnh hưởng đến thiết kế của nó. Mục đích học rất khác mục đích thuyết trình, khái niệm giao dịch cho công việc và khái niệm sư phạm thì càng khác. Vì Zoom không sinh ra là sản phẩm giáo dục, nên đằng sau thiết kế của Zoom chẳng có mục đích sư phạm nào cả (pedagogical intent). Nếu có gì gần nhất với thuyết trình qua Zoom thì là phương pháp sư phạm nơi giáo viên giảng bài là chính và học sinh thì chỉ lắng nghe (nếu họ không hay buồn ngủ hay mải lướt facebook như mình lúc học online :)). Theo ý kiến cá nhân mình thì một lớp học tốt, nhất là ở bậc đại học, là một nơi có nhiều tương tác (interactive learning) và trao đổi dân chủ (democratic conversation) giữa tất cả các thành viên, nhưng hiện nay thì Zoom chưa chú trọng vào việc này.
VẬY PHẢI LÀM SAO?
Như mình đã nêu ở trên, thực ra cốt lõi của vấn đề là Zoom không được tạo ra cho cho việc dạy và học online. Nhìn rộng hơn thì thị trường công nghệ nói chung và EdTech nói riêng hiện ít có sản phẩm nào thực sự được thiết kế tối ưu cho việc học online trực tuyến. Tại Mỹ cũng bắt đầu có những công ty phát triển thêm phương tiện học trực tuyến thay cho Zoom (ví dụ như Engageli hay ClassEdu). Mình thấy xu hướng hiện tại vẫn đặt nặng việc tái hiện lại online những gì xảy ra trong một lớp học trực tiếp truyền thống. Về lâu dài, thị trường EdTech cần những phương tiện học trực tuyến mang tính đột phá hơn. Xuất phát điểm nên đặt những câu hỏi như: Học online có ưu thế và khác biệt gì so với học trong lớp trực tiếp? Con người tương tác qua công nghệ internet và media như thế nào và có đặc thù gì mới? Tìm hiểu những điều này sẽ giúp đưa ra hướng mới hơn cho các trải nghiệm học online.
Dù sao đi nữa, Zoom và những ứng dụng tương tự vẫn là phương tiện rất có ích, dễ dàng và tạm thời “đủ xài” đối với giáo viên và học sinh. Quan trọng là cách sử dụng làm sao sáng tạo và hợp lý nhất có thể để đạt hiệu quả như mong muốn. Nếu bạn quan tâm làm thế nào để “bay lên trời với xe Zoom”, hãy subscribe và đợi bài sau mình sẽ chia sẻ thêm một số cách để có lớp học online qua Zoom tốt hơn nhé!
Sources:
[1] A Neuropsychological Exploration of Zoom Fatigue
Ảnh: Photo by Gitit / CC BY-SA 4.0