Bức tranh giáo dục online sau Covid sẽ thay đổi như thế nào? Ở phần 1, mình có viết về việc hậu Covid, các trường đại học không những cần quan tâm hơn tới việc học online mà nên có một chiến lược để phát triển giáo dục online. Nắm bắt được thời cơ và xu hướng mở với việc dạy và học online tạo nên bởi Covid sẽ giúp các trường chuyển mình và tồn tại. Nhưng mở rộng cách nào để đem lại hiệu quả kinh tế và chất lượng không phải là một bài toán dễ. Trong phần 2 này, mình muốn bàn đến những yếu tố mà nhà trường nên xem xét khi xây dựng và phát triển giáo dục online.
Mục tiêu phát triển giáo dục online là gì?
Thứ nhất, nhà trường cần xác định rõ mục tiêu mở chương trình học online. Ngoài việc kiếm thêm nguồn thu còn có những mục tiêu khác như mở rộng những ngành mũi nhọn của trường, thử một ngành mới phát triển hay chưa ai dạy, chia sẻ nghiên cứu hay phương pháp giáo dục riêng, thu hút đối tượng học sinh mới, v.v. Tuy mục tiêu kinh tế quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu, nếu không hoạch định rõ nét những mục tiêu khác thì chương trình sẽ khó có dấu ấn riêng và cạnh tranh lâu dài. Các mục tiêu sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng chiến lược giáo dục online, giúp các trường lên kế hoạch tốt hơn, biết những gì cần phải đo lường, và xem xét đầu tư vào từng mục tiêu như thế nào.
Chọn lọc loại chương trình và đối tượng nào?
Khi lựa chọn các ngành nghề và bộ môn để đưa lên online, việc nghiên cứu thị trường để hiểu nhu cầu và xu hướng học online và đối tượng học là rất quan trọng. Có trường sẽ chọn hướng đi nhằm đưa các ngành đã sẵn là mũi nhọn để mở rộng, có trường sẽ sử dụng cơ hội này để mở một ngành mới, hoặc xây dựng chương trình linh hoạt, bằng cấp phong phú hơn, hoặc kết nối được với nhiều đối tác hơn (v.d doanh nghiệp hay cơ sở đào tạo khác). Nếu chương trình hướng đến người học đã hoặc sắp đi làm, thì còn cần biết thêm thị trường lao động còn thiếu nhân lực cho ngành nghề gì, nơi công sở thiếu những kĩ năng gì. Điều này sẽ giúp nhà trường nắm bắt được nhu cầu đào tạo và xem chương trình của mình có đáp ứng được không. Nếu chọn những mảng đã có online thì nên tìm hiểu đặc điểm của những chương trình này là gì (v.d. tiếng tăm của cơ sở đào tạo, đối tượng học, phương pháp giảng dạy, học phí, thời gian, v.v.) để giúp mình so sánh và quyết định sẽ cạnh tranh theo hướng nào.
Để xây dựng chương trình online cần những gì?
Để mở và vận hành một chương trình online cần nhiều bước cũng giống như mở các chương trình offline, thậm chí còn hơn. Ngoài xin giấy phép vận hành và đánh giá chất lượng chương trình, nhà trường cần giải được bài toán marketing, tuyển sinh, công nghệ, nhân sự, hỗ trợ học sinh. Làm sao để đối tượng học biết đến chương trình? Cần marketing và quảng bá thế nào? Khi tuyển sinh, cần có những tiêu chí đánh giá như thế nào? Nếu có ưu đãi hay hỗ trợ học phí để thu hút người học thì nên thực hiện ra sao?
Một phần rất quan trọng là xác định được công nghệ cần thiết để đưa chương trình online. Có rất nhiều loại nền tảng và công cụ mà trường cần xem xét và lựa chọn ví dụ như learning management system (LMS – nền tảng quản lý học tập) hay assessment tools (công cụ đo lường/kiểm tra). Nếu có sẵn công nghệ thì cũng cần đánh giá lại xem liệu có đáp ứng được nhu cầu cho chương trình mới không. Khâu này cần làm rất kĩ lưỡng và chuyên nghiệp để có thể đi được đường dài vì một khi đã đầu tư vào hệ thống công nghệ thì sẽ tốn kém về tiền bạc và công sức để chuyển giao sang một công nghệ khác.
Về mặt chương trình, việc này cũng đòi hỏi đầu tư và thiết kế sao cho phù hợp với việc dạy và học online, chứ không chỉ bê nội dung có sẵn thành video hoặc tư liệu. Content học cần được sắp xếp lại sao cho hợp lí hơn với nhu cầu của người chọn học online và cách dậy cũng phải chuyển biến để hấp dẫn và hiệu quả hơn. Đầu tư vào chất lượng nội dung và giảng dạy sẽ giúp chương trình có chỗ đứng vững vàng và giá trị hơn với người học.
Liên quan đến chất lượng chương trình là việc quản lý đội ngũ giáo viên. Việc này sẽ tuỳ thuộc vào mô hình học online, có loại sẽ chỉ cần giáo viên thiết kế và sản xuất nội dung, có loại sẽ cần giáo viên giảng dạy học sinh trực tuyến. Từ tuyển chọn giáo viên, rồi bồi dưỡng kĩ năng thiết kế và dạy online, và hỗ trợ họ xuyên suốt chương trình sẽ là những việc nhà trường phải suy nghĩ tới.
Một mảng cũng khá quan trọng để thu hút người học và giúp đầu tư vào đầu ra (outcomes) cho chương trình là hỗ trợ học sinh và kết nối với thị trường việc làm. Trong quá trình học, học sinh có thể sẽ gặp nhiều khó khăn không chỉ về tiếp cận nội dung mà còn về chi phí, làm quen với công nghệ mới, hay quản lý thời gian học. Điều này khiến họ dễ nản chí và bỏ khoá học. Nếu chương trình đào tạo để học sinh chuyển ngành hay tìm công việc mới thì cũng cần giúp họ kết nối với những người trong ngành nghề và cơ hội thực tập để họ có thể ứng dụng việc học tốt hơn . Nói tóm lại, người học không chỉ cần mỗi được dạy, họ cũng cần được dỗ, động viên, chuyển cảm hứng và lấy động lực để có thể đạt được đầu ra như mong muốn.
Nên tự lực hay outsource khi phát triển giáo dục online?
Như đã thấy ở trên, để xâu dựng một chương trình online chất lượng và thành công cần nhiều công sức đầu tư. Nhà trường cần cân nhắc từng phần xem mảng nào mình có đủ nhân lực, nguồn lực, thời gian để tự làm và hiện thực hoá chiến lược. Ở những mảng còn thiếu kinh nghiệm hay sức lực, cần suy nghĩ thêm nên đầu tư để tự nâng cấp hay hợp tác với các tổ chức bên ngoài có chuyên môn sâu ở những mảng đó? Ở ngoài kia có những tổ chức nào đáp ứng được nhu cầu và khả năng của mình? Liệu 5, 10 hoặc 15 tới thì outsource hay tự lực sẽ mang lại hiểu quả kinh tế và chất lượng hơn?
Trên đây là những câu hỏi quan trọng mà các trường đại học và cơ sở đào tạo cần trả lời để lên chiến lược lâu dài cho việc xây dựng các chương trình online. Tất nhiên là các câu hỏi đều không chỉ có một đáp án vì mỗi trường sẽ có điều kiện và mục tiêu khác nhau, bước vào sân chơi ở thời điểm kinh tế xã hội khác nhau, và đối mặt với những thay đổi khác nhau trong nhu cầu học và trong công nghệ. Vì vậy, đây không phải là một bài toàn dễ nhưng mà là một bài toán đáng được giải nếu lãnh đạo nhà trường thực sự nghiêm túc về sự phát triển của trường và sứ mệnh mở rộng và nâng cao giáo dục.